Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai

Mục đích bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; đấu tranh hiệu quả công tác phòng, chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa góp phần phát triển sản xuất trong nước, bình ổn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng. Nhằm đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tổng kết, đánh giá, hướng dẫn các Đội Quản lý thị trường trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực nêu trên; biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các yếu kém, sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra định kỳ, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức và cá nhân kinh doanh. Qua kiểm tra phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời công tác kiểm tra, xử phạt phải gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với nhóm đối tượng được kiểm tra. Việc kiểm tra, kiểm soát không gây phiền hà, trở ngại cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp được diễn ra bình thường.Việc triển khai tổ chức kiểm tra có kế hoạch cụ thể, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; việc đánh giá, kết luận kiểm tra phản ánh thực tế khách quan, trung thực và đảm bảo công bằng. Nhận định, đánh giá phân tích những nội dung cần quan tâm trong chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực; Kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác quản lý thị trường trong thời gian tiếp theo. Các Đội QLTT căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, thị trường và số lượng công chức, nhân sự của Đội để đề xuất số lượng tổ chức, cá nhân phù hợp đưa vào danh sách Kế hoạch kiểm tra định kỳ trong năm 2022 và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn khác và đột xuất khi có chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
Đối tượng, mặt hàng kiểm tra: Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên thị trường về: trang thiết bị y tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kinh doanh hàng điện tử, sản phẩm thời trang; Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu, nguyên liệu thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá; Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất; Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; Kiểm tra việc thực hiện các quy định về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh.
Thời gian thực hiện đối với các nội dung của Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022 từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/10/2022.
Kế hoạch đính kèm tại đây