Sự tương đồng về xử lý kỷ luật trong thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật về các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng
1. Đặt vấn đề:
Qua so sánh các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ và các hành vi tham nhũng theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (PCTN), tác giả nhận thấy có sự tương đồng về xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC và vi phạm pháp luật PCTN. Do đó, ở bài viết này tác giả tập trung phân tích sự tương đồng về xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC và xử lý kỷ luật về các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đoàn kiểm tra công vụ tại Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Nai
2. Sự tương đồng của hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hành vi tham nhũng theo Luật về phòng, chống tham nhũng
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, khái niệm “tương đồng” được hiểu là “như nhau, giống nhau”[[1]]. Trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, có các từ tương tự như: sự giống nhau, sự tương đồng, sự thống nhất…Những từ này đều dùng để chỉ những mặt, thuộc tính, đặc điểm, mối liên hệ…có ở nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau.
Qua nghiên cứu, so sánh chúng ta dễ nhận ra sự tương đồng giữa các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm theo pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cụ thể đó là:
Thứ nhất, theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN đã xác định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định các Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Thứ hai, theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN xác định hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định “Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính” tại Khoản 6 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Thứ ba, theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN đã xác định “Giả mạo trong công tác vì vụ lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định Khoản 9 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP xác định “Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính” là một trong các hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC.
Thứ tư, theo quy định tại điểm 1 Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN đã xác định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định “sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước” tại Khoản 8 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Thứ năm, theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN đã xác định “Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định các Khoản 3,4,5,14,15,16,19 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP cụ thể các hành vi đó là:
“3. Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật.
4. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật.
5. Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
14. Không thực hiện kết luận kiểm tra.
15. Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra.
16. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện.
19. Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính”.
Thứ sáu, theo quy định tại điểm m Khoản 1 Điều 2 Luật PCTN xác định hành vi “cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi” là hành vi tham nhũng có sự tương đồng với quy định “Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra. Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra” tại Khoản 11 và Khoản 12 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Thứ bảy, theo Khoản 1 Điều 3 Luật PCTN “tham nhũng” là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” cũng có sự tương đồng với quy định xác định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành” tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP là hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC.
3. Hình thức xử lý kỷ luật do vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và vi phạm theo Luật về phòng, chống tham nhũng
Theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật bằng 06 hình thức xử lý kỷ luật, bao gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc, trong khi đó theo quy định của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức sau: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức (được chia thành: Người giữ chức vụ quyền hạn áp dụng 03 hình thức là khiển trách, cảnh cáo và cách chức còn Người không có chức vụ quyền hạn thì bị xử lý bằng 02 hình thức đó là: Khiển trách và cảnh cáo).
Thứ nhất, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm bằng việc ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020. Mục đích chính là xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Đồng thời, phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 có quy định “… Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính”. Như vậy, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính cần áp dụng đúng, đầy đủ các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc hậu quả theo quy định.
Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 quy định rõ: Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật với các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Thứ hai, về xử lý các hành vi tham nhũng được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật, có thể kể đến như: Luật PCTN năm 2018; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2017); Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010...Trong đó: Luật PCTN năm 2018 đã dành cả Chương IX quy định cụ thể nội dung xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Tại Khoản 1 Điều 92 quy định: “Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác”.
Bên cạnh đó, Luật PCTN năm 2018 còn quy định về xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCTN bao gồm: Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; về quy tắc ứng xử; về xung đột lợi ích; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Người có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.
Để bảo đảm thi hành Luật PCTN năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018. Trong đó, Chương VI của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2019 quy định về việc “tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng” và Chương X quy định về “xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham”.
Ngoài ra, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2019 cũng quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng liên quan đến các nội dung: Xử lý vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch; xử lý vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý vi phạm quy định về xung đột lợi ích; xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.
4. Nhận xét về việc xử lý kỷ luật do vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và vi phạm theo Luật về phòng, chống tham nhũng
Thứ nhất, việc Chính phủ ban hành Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định các hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC, áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC cũng như nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong THPL về XLVPHC. Điều này, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong THPL về XLVPHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về XLVPHC.
Thứ hai, có thề nói xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp, chế tài nghiêm khắc để xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về PCTN. Xác định tầm quan trọng trong công tác này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018, theo đó, pháp luật quy định tương đối đầy đủ hệ thống chế tài áp dụng cho người có hành vi tham nhũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của họ ở mức độ khái quát nhất có thể phân chia thành hai loại chế tài: Chế tài kỷ luật áp dụng cho người có hành vi tham nhũng ở mức độ ít nguy hiểm cho xã hội, còn chế tài hình sự được áp dụng cho người có hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cao cho xã hội bị coi là tội phạm.
Thứ ba, trong số các hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC nêu trên, có một số hành vi vi phạm có sự tương đồng với các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; do đó, khi cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ có sự xử lý không thống nhất, ví dụ: Các cơ quan chính quyển xử lý hành vi vi phạm trong THPL về XLVPHC theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 nhưng khi báo cáo qua các cơ quan Đảng hoặc cơ quan cấp trên thì có thể những hành vi đó có thể bị xử lý theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018. Tuy nhiên, khi bị xử lý vi phạm đối với các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cán bộ, công chức, viên chức. Vậy nên cần có cách hiểu thống nhất để tránh thiệt thòi cho cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Đại từ điển tiếng Việt, tr.1768, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.