Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục QLTT tỉnh Đồng Nai
Theo đó, Quy chế này quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục QLTT tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Việc công khai thông tin ở Cục QLTT tỉnh Đồng Nai; việc bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát của công chức và người lao động; việc bầu Ban Thanh tra nhân dân ở thuộc Công đoàn cơ sở Cục QLTT tỉnh Đồng Nai. Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục được áp dụng đối với: Phòng chuyên môn nghiệp vụ, Đội QLTT trực thuộc Cục và công chức, người lao động đang làm việc tại Cục theo Quy định của Luật cán bộ, công chức; Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục QLTT tỉnh Đồng Nai phải đảm bảo trên nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của Cấp ủy, sự quản lý thống nhất của Cục trưởng, phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở Cục trong việc thực hiện dân chủ ở cơ quan Cục theo quy định của pháp luật và Quy chế này; phát huy quyền và nâng cao trách nhiệm của công chức và người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Cục. Tôn trọng và đảm bảo thực hiện quyền dân chủ của công chức và người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện quy chế dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan Cục; bảo đảm trật tự, kỷ cương hành chính, gắn với thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc của cơ quan Cục; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ ở Cục; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, đảm bảo quyền và trách nhiệm thực thi công việc của các đơn vị thuộc Cục và của công chức và người lao động theo nhiệm vụ được phân công.
Những nội dung Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai phải công khai, bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Cục và các văn bản chỉ đạo của cấp trên (trừ các văn bản phải bảo mật theo quy định của pháp luật); Kế hoạch công tác hàng tháng, hàng quý, năm của Cục; kinh phí hoạt động hàng năm bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính hợp pháp khác; quyết toán kinh phí hàng năm; tài sản, trang thiết bị; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức và người lao động; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản về hoạt động và tổ chức của cơ quan; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan đã được kết luận của cấp có thẩm quyền; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan Cục QLTT tỉnh Đồng Nai; các nội quy, quy chế làm việc của cơ quan Cục QLTT; quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Cục; kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của công chức và người lao động về những nội dung công chức và người lao động tham gia ý kiến theo quy định tại Điều 53, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến hoạt động của Cục. Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ của Cục QLTT tỉnh Đồng Nai.
Hình thức và thời điểm công khai thông tin theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ cở, bao gồm: Niêm yết tại trụ sở Cục; Thông báo tại Hội nghị công chức, người lao động; Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể công chức, người lao động hoặc thông báo cho Trưởng các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, Đội trưởng các Đội QLTT biết và yêu cầu họ thông báo đến công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của mình được biết; đăng trên trang cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai tại địa chỉ https://dongnai.dms.gov.vn/ hoặc của Tổng cục QLTT tại địa chỉ https://dms.gov.vn/. Nội dung thông tin nêu trên phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kề từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Những nội dung công chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu cơ quan quyết định theo quy chế này, bao gồm: Giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; Kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan; tổ chức phong trào thi đua của cơ quan; báo cáo sơ kết, tống kết của cơ quan; các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, người lao động (nếu có); bổ nhiệm công chức; việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của công chức, người lao động; dự thảo sửa đổi Quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan Cục (nếu có); Dự thảo sửa đổi Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan Cục; các dự thảo nội quy, quy chế khác của cơ quan Cục (nếu có).
Trách nhiệm trong việc tổ chức để công chức, người lao động tham gia ý kiến theo quy chế này, cụ thể đó là: Cục trưởng chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến công chức, người lao động về các nội dung nêu trên, trong đó xác định rõ nội dung lấy ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức, thời hạn triển khai và trách nhiệm tổ chức thực hiện; chỉ đạo việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, thông tin phản hồi của công chức, người lao động; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia và thực hiện công khai nội dung giải trình, tiếp thu đến công chức, người lao động; Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Cục phối hợp với Cục trưởng trong việc thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến; giám sát việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến, quá trình lấy ý kiến, kết quả giải trình, tiếp thu và tổ chức thực hiện các nội dung công chức, người lao động đã tham gia ý kiến; tham gia ý kiến trước khi Cục trưởng quyết định ban hành quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan Cục theo quy định pháp luật; Công chức, người lao động trong cơ quan Cục có trách nhiệm tích cực, gương mẫu đóng góp, tham gia ý kiến làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền quyết định; theo dõi, đánh giá, giám sát việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đối với các nội dung đã được đưa ra lấy ý kiến công chức, người lao động và quá trình tổ chức thực hiện quyết định về các nội dung này.
Công chức, người lao động trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ thông qua các hình thức như: Hoạt động học tập, công tác, sinh hoạt của công chức, người lao động ở cơ quan Cục; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, công chức, người lao động khác trong cơ quan Cục; tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của cơ quan Cục hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung công chức, người lao động đã bàn và quyết định; tham dự hội nghị công chức, người lao động; hoặc công chức, người lao động thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan Cục.
Ký kết giao ước thi đua giữa Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch CĐCS Cục
Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy quyền làm chủ của công chức, người lao động và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh và tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hành tiết kiệm; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Chi tiết Quyết định tại đây